Ý đồ quân sự - chính trị của các bên Chiến_dịch_Huế_-_Đà_Nẵng

Phương án tấn công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Hướng Trị Thiên

Sau các chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức (phối hợp với chủ lực khu 5), La Sơn - Mỏ Tàu (K18), Quân đoàn 2, binh lực chủ yếu của mặt trận Trị-Thiên của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chiếm dược một số bàn đạp chiến dịch quan trọng và bố trí thành một vòng cung lớn từ phía Bắc (Đông Hà - Ái Tử) quan phía Tây (Khe Sanh - Ba Lòng) đến Tây và Nam Huế (A Lưới, Nam Đông) bao quanh các lực lượng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Quảng Trị và Thừa Thiên. Toàn bộ sư đoàn 304 và trung đoàn 3 (sư đoàn 324) có mặt ở Nông Sơn - Thượng Đức để chuẩn bị tấn công Đà Nẵng từ phía Tây. Riêng trung đoàn 95 (sư đoàn 325) đã được điều động đến Nam Tây Nguyên từ tháng 1 năm 1975, không tham gia chiến dịch. Trên địa bàn khu 5, sư đoàn 2 (chủ lực khu) đang chiếm lĩnh các vị trí thuận lợi ở Tiên Phước, Trà My, Trà Bồng nối liền với vùng Đắc Tô - Tân Cảnh.[14]

Ngày 21 tháng 2 năm 1975, Bộ tư lệnh mặt trận Trị Thiên có sự tham sự của các chỉ huy Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên đã thông qua kế hoạch hành động quân sự xuân hè 1975 (mật danh K175) dự kiến từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1975 và kế hoạch chiến dịch mùa thu 1975 dự kiến từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1975. Với lực lượng tổng cộng 7 trung đoàn trên hướng Trị-Thiên và 4 trung đoàn trên hướng Đà Nẵng, Bộ tư lệnh mặt trận Trị-Thiên vạch kế hoạch ban đầu cho chiến dịch với mục tiêu trước mắt là đánh chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị, bao vây cô lập Huế và nếu có điều kiện phát triển thì đánh chiếm toàn bộ địa bàn Trị Thiên Huế.[15]

Để thực hiện ý đồ trên đây, hướng tấn công chính của Quân đoàn 2 được điều chỉnh từ Tây Bắc Huế (tuyến đường 12) xuống Tây Nam Huế (tuyến đường 14 nhằm mục tiêu cô lập toàn bộ cánh Bắc của Quân đoàn 2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa với cánh Nam (Đà Nẵng và Quảng Nam-Quảng Ngãi). Toàn bộ địa bàn Trị Thiên được chia thành 5 khu vực tấn công gồm: Khu vực Quảng Trị (từ Nam Sông Thạch Hãn đến sông Mỹ Chánh); khu vực Bắc Thừa Thiên (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà); khu vực thành phố Huế và ngoại vi; Khu vực đồng bằng Nam Huế Phú Vang, Hương Thuỷ; các trọng điểm giao thông trên đường số 1 tại Phú Lộc và bắc Hải Vân.[16]

Hướng Nam-Ngãi

Sau khi chia cắt Huế với Đà Nẵng, Bộ tư lệnh khu V sẽ phối hợp tổ chức chiến dịch Nam-Ngãi tại địa bàn hai tỉnh này nhằm chia cắt Đà Nẵng với địa bàn ven biển miền Trung Trung bộ (thuộc Quân khu II - Quân lực Việt Nam Cộng hòa). Do hai trung đoàn bộ binh 2, 12 và trung đoàn pháo binh 368 (thiếu) của sư đoàn 3 Sao Vàng đang hoạt động phối hợp với Quân đoàn 3 ở hướng đường 19 - An Khê trong khuôn khổ chiến dịch Tây Nguyên; các lực lượng tham gia chiến dịch của Bộ tư lệnh Khu 5 chỉ còn sư đoàn 2, trung đoàn 141 (sư đoàn 3), các trung đoàn pháo binh 368 và 572, lữ đoàn bộ binh 52, trung đoàn địa phương 96 (Quảng Đà), trung đoàn địa phương 94 (Quảng Ngãi), các tiểu đoàn địa phương 70 và 72 (Quảng Nam). Mục tiêu của chiến dịch là cụm quân của sư đoàn 2, thiết đoàn 11 và Liên đoàn bảo an 912 Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại khu vực Tiên Phước, Phước Lâm, Suối Đá, phát triển xuống Tam Kỳ, Quảng Ngãi. Nếu có thời cơ thì đánh chiếm toàn bộ địa bàn tỉnh Bình Định, bao gồm cả thành phố Quy Nhơn.[10]

Hướng Đà Nẵng

Phương án ban đầu là bao vây, cô lập Đà Nẵng với các vùng xung quanh; chia cắt cụm quân Đà Nẵng với cụm quân phía Bắc và phía Nam của Quân đoàn I - Quân lực Việt Nam Cộng hoà, không cho các lực lượng này co về cố thủ Đà Nẵng. Sau đó tùy tình hình, có thể tổ chức tiến công vào căn cứ liên hợp hải - lục - không quân tại Đà Nẵng trong hành tiến.[17]

Phương án phòng thủ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Sơ đồ Quân khu I của Quân lực Việt Nam Cộng hoà

Căn cứ vào "Kế hoạch quân sự Lý Thường Kiệt 1975", cùng với kinh nghiệm thực hành phản kích tại chiến trường Trị Thiên năm 1972 và các tin tức tình báo thu thập được, khối binh lực của Quân đoàn II được trung tướng Ngô Quang Trưởng bố trí thành ba tuyến với ba hướng phòng thủ cơ bản của quân khu.

Các tuyến phòng thủ

Tuyến "da cam": Theo kế hoạch của tướng Ngô Quang Trưởng, tuyến này có ý nghĩa như tuyến phòng thủ biên giới quốc gia; là tuyến tổng tiền đồn tiếp giáp với đối phương, vừa là tuyến bàn đạp để tấn công, vừa là tuyến ngăn chặn đầu tiên mọi cuộc tấn công của đối phương. Tuyến này được bố trí binh lực và hỏa lực mạnh; được tăng cường các lực lượng có khả năng đột kích sâu như thiết giáp, biệt động.

Tuyến "xanh lục": Còn gọi là tuyến trì hoãn; tuyến phòng thủ này có nhiệm vụ tiếp tục ngăn chặn nếu đối phương vượt qua tuyến "da cam"; có nhiệm vụ tiêu hao lực lượng đối phương, kéo dài thời gian và tạo cơ hội cho tuyến sau có thêm thời gian tổ chức phòng thủ hoặc tiến hành phản kích.

Tuyến "xanh dương": Có nhiệm vụ chốt giữ các khu phòng thủ đã được phân định, tiêu hao, tiêu diệt đối phương đã suy yếu khi vượt qua hai tuyến trước, tổ chức phản kích đẩy đối phương ra ngoài.[18]

Các hướng phòng thủ

Hướng Trị Thiên Huế (Kế hoạch phòng thủ có mật danh X.28): Gồm sư đoàn bộ binh 1, sư đoàn thủy quân lục chiến, các liên đoàn biệt động quân 4 và 15, các liên đoàn bảo an 913, 914; các thiết đoàn số 17 và 20; 10 tiểu đoàn pháo binh; 1 tiểu đoàn cao xạ tự hành; 1 phi đoàn trực thăng; 2 phi đội trinh sát; hải đoàn duyên phòng 106. Các lực lượng này chịu trách nhiệm phòng thủ phần còn lại của tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên, từ Nam sông Thạch Hãn đến sườn phía Bắc dãy núi Bạch Mã. Chỉ huy hướng này là trung tướng Lâm Quang Thi, Phó tư lệnh Quân đoàn I, đóng Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn tại Huế.

Hướng Đà Nẵng (Kế hoạch phòng thủ có mật danh Z.36): Gồm sư đoàn bộ binh 3; sư đoàn dù; các thiết đoàn số 4 và 7; các liên đoàn biệt động quân 11 và 14; liên đoàn bảo an 911; sư đoàn 1 không quân; 8 tiểu đoàn pháo binh; 1 hải đoàn duyên phòng và 2 giang đội. Các lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên hướng này chịu trách nhiệm phòng thủ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Tín từ sườn phía Nam dãy Bạch Mã đến bờ Bắc sông Vu Gia; do đích thân trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn I trực tiếp chỉ huy. Bộ Tư lệnh quân đoàn I đặt tại Đà Nẵng.

Hướng Quảng Nam-Quảng Ngãi (Kế hoạch phòng thủ có mật danh X.36): Gồm sư đoàn bộ binh 2, liên đoàn 12 biệt động quân, thiết đoàn 11, 3 tiểu đoàn pháo binh, liên đoàn bảo an 912, 1 hải đoàn duyên phòng và 1 giang đội. Các lực lượng trên hướng này chịu trách nhiệm phòng thủ phần còn lại của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi từ bờ Nam sông Vu Gia đến đèo Bình Đệ dưới quyền chỉ huy của chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, tư lệnh sư đoàn bộ binh 2. Bộ tư lệnh sư đoàn đặt tại căn cứ Chu Lai.[18][19]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Huế_-_Đà_Nẵng http://www.vietnamconghoa.com/article.php?QRY=S&LE... http://baochinhphu.vn/Ngay-nay-40-nam-truoc/Don-ti... http://www.baotangdanang.vn/portal/page/portal/bao... http://www.baophuyen.com.vn/76/130239/chien-dich-h... http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Chien-dich-Hue... http://www.htv.com.vn/Trang/ChuongTrinh/ChuyenDe/2... http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/25921302-g... http://mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZPJjqNADIaf... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vVXJjqNI... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTbkqIw...